Xưa, tên chùa là Thánh Kinh, sau đổi tên là Long Sơn, có khi dùng tên Long Sơn Vạn Phú để phân biệt với chùa Long Sơn Nha Trang.
Chùa tọa lạc trên ngọn núi Một, có diện tích khoảng 7.000m2, thuộc địa phận thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà.
Năm 1902, đời vua Thành Thái năm thứ 13, Hoà thượng Thích Như Đạt, tự là Giải Nghĩa, hiệu Hoằng Thâm đã cùng các vị chức sắc trong làng tổng góp công của dựng lại chùa, sau khi xây dựng xong, dân làng giao cho Hòa thượng Hoằng Thâm trụ trì.
Chùa là di tích lưu niệm Bồ tát Thích Quảng Đức khi ngài nhập đạo, thế phát quy y với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm từ năm 1903, tu học cho đến khi làm Trị sự chùa Long Sơn năm 1921, rồi vào Nam hành đạo và vị pháp thiêu thân năm 1963 tại Sài Gòn.
Hòa thượng Hoằng Thâm-Như Đạt, thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, chính là cậu ruột của Bồ tát Thích Quảng Đức, đã nhận cháu ruột làm con theo hình thức “cha mẹ ký bán, gửi con cho cửa Phật vì khó nuôi”, thay họ Nguyễn cho cháu (vốn mang họ Lâm), nên Tổ khai sơn vừa là bổn sư truyền giới, vừa là cậu ruột và là cha nuôi.
Từ khi khởi dựng đến nay, chùa đã trải qua 6 đời trụ trì:
– Tổ sư Như Đạt (Hoằng Thâm)
– Tổ sư Thị Hán
– Tổ sư Thị Diệu
– Tổ sư Thị Thành
– Tổ sư Như Lý
– Từ năm 2000 đến nay, trụ trì là Thượng tọa Thích Thường Tín, đệ tử của Hòa thượng Thích Tịnh Diệu, Tu Viện Giác Hải, Vạn Ninh.
(Vào năm 1917, sau khi thọ giới Tỳ kheo, Ngài Quảng Đức- Thị Thuỷ có trở về làm Tri sự chùa Long Sơn trong một thời gian).
Khi còn mang tên Thánh Kinh chùa thờ Quan Thánh Đế Quân. Từ khi mang tên Long Sơn thì chùa thờ Phật, Quan Thánh, cùng năm vị trụ trì và Bồ tát Thích Quảng Đức.
Qua thời gian 120 năm, Chùa đã được tu bổ, tái thiết và kiến tạo những công trình mới đáng kể:
– Năm 1907, đời vua Duy Tân năm thứ 2, Tổ Hoằng Thâm sáp nhận chùa Thánh Kinh vào chùa Long Sơn và đúc đại hồng chung.
– Năm 1964, 1972 tu bổ chùa.
– Năm 2001, xây dựng nhà Đông, tường rào, Tam quan.
– Năm 2004 đến nay, đại tu bổ Chính điện, xây dựng nhà Tây, điện Bồ tát Quán Thế Âm, và tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức, đại tượng Phật Nhập Niết Bàn trên bệ khắc bản kinh Di Giáo, bộ tượng Tây Phương Tam Thánh lộ thiên, Vườn Lộc Uyển, Vườn Lâm-Tỳ-Ni, Tượng Quan Âm Thị Kính bồng con, giảng đường …
– Chùa đã bảo tồn được những di sản văn hóa quý báu, những kỷ vật của Bồ tát Thích Quảng Đức, được trưng bày và bảo quản nghiêm mật trong một biệt phòng, gồm nhiều ấn triện, mộc bản, tượng Phật, kinh sách, pháp cụ pháp khí, y mão, cà sa, bình bát, chuông trống, mõ dùi, tranh ảnh, chén tách…
– Chùa đang lưu giữ bộ sưu tập có một không hai, gồm 70 chiếc vỏ sò khổng lồ hoá thạch được mang về từ quần đảo Trường Sa, trên từng chiếc vỏ sò quý hiếm đã được khắc “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, chạm trổ tượng của chư Phật, Bồ tát và Thánh chúng, Thập Bát La Hán… hiện đang là “độc bản”.
Chùa là nơi mở Lớp Sơ Cấp Phật Học của Huyện Giáo Hội Vạn Ninh để giảng dạy kiến thức căn bản, truyền bá chánh pháp cho tăng ni. Với pháp môn Thiền Tịnh song tu, chư Tăng trụ xứ trong chùa đã luôn sách tấn đại chúng tụng niệm hằng ngày, đoạn ác tu thiện, khuyến khích và hướng dẫn Phật tử tham gia những Phật sự mang lại lợi lạc, an vui cho cộng đồng xã hội. Hàng năm, ngoài các ngày đại lễ như Phật đản, Vu Lan, Phật thành đạo… chùa còn tổ chức lễ Kỷ niệm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân vào ngày 19 tháng Tư Âm lịch, và lễ kỵ tổ khai sơn vào ngày 23 tháng 11 âm lịch.
Với những giá trị lịch sử văn hoá Phật giáo, chùa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2732/QĐCT-UBND, ngày 30/9/2015 xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp Tỉnh.
Tâm Không Vĩnh Hữu